Thứ Sáu, 19 tháng 5, 2017

Cẩn trọng với tai nạn đuối nước ngày hè ở trẻ nhỏ

Đuối nước là tai nạn thường gặp nhất trong mùa hè nên cha mẹ cần nhắc nhở con trẻ chơi đùa an toàn và đặc biệt là trang bị kỹ năng bơi và xử trí khi đuối nước.


Chưa nghỉ hè song những ngày qua tai nạn đuối nước ở trẻ nhỏ xảy ra tại nhiều địa phương. Gần nhất ngày 15/5 có 3 học sinh ở huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước chết đuối thương tâm ở một ao nước là nơi các em vẫn thường xuyên chơi đùa.
Tai nạn đuối nước ở trẻ em là tai nạn thường gặp nhất trong mùa hè. Trung bình mỗi ngày Bệnh viện Nhi trung ương tiếp nhận khoảng 1-2 trẻ đuối nước nhập viện trong tình trạng nặng như suy hô hấp phải đặt nội khí quản, tiên lượng tử vong cao hoặc để lại di chứng nặng.
Theo bác sĩ Phạm Ngọc Toàn, khoa Cấp cứu chống độc Bệnh viện Nhi Trung ương, đuối nước gây tình trạng thiếu oxy các cơ quan trong cơ thể và đặc biệt là thiếu oxy não. Nạn nhân thường hít phải nước hoặc các dị vật vào hệ tiêu hóa, đường hô hấp, nguy cơ ngừng thở ngừng tim là rất cao.
Vì vậy, ngay khi đưa được nạn nhân đuối nước lên bờ, người cấp cứu phải tiến hành đánh giá, xác định xem nạn nhân còn thở không, có vật gì cản trở đường thở không, sau đó tiến hành kiểm tra mạch, ép tim ngoài lồng ngực cho họ. Quan trọng nhất là người cấp cứu cần bình tĩnh xử trí theo các bước nhanh và dứt khoát, gọi người hỗ trợ nếu có. Gần đây, nhờ được trang bị kiến thức và kỹ năng sơ cứu đuối nước, một chiến sĩ công an đã cứu sống cháu bé ở Hà Giang.
Video người dân quay được chiến sĩ công an đang sơ cứu cho cháu bé đuối nước
Bác sĩ Lương Văn Chương, khoa Cấp cứu Bệnh viện Xanh Pôn cho rằng, những kỹ năng cơ bản về sơ cứu đuối nước là cực kỳ cần thiết, mọi người nên tự trang bị cho mình những kiến thức và kỹ năng cơ bản này.
Tuy nhiên, bác sĩ Chương lưu ý thêm, khi sơ cứu nạn nhân đuối nước, người cấp cứu tuyệt đối không được xốc nạn nhân lên vai vì không có hiệu quả, thậm chí còn gây nguy cơ chấn thương ngã gãy cổ. Ngoài ra, khi thổi ngạt, người cấp cứu nên bóp mũi nạn nhân để hơi không thoát ra ngoài. Khi ép tim, cần nghiêng đầu nạn nhân sang một bên để nước trong cơ thể trào ra ngoài cứ không chảy ngược lại đường thở gây sặc nước.
Kỹ thuật sơ cứu dưới đây được phổ biến trong cộng đồng mà ai cũng có thể làm được.
Mỹ Tâm
Nguồn: http://suckhoe.vnexpress.net/tin-tuc/suc-khoe/can-trong-voi-tai-nan-duoi-nuoc-ngay-he-o-tre-nho-3586196.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét